So sánh sàn
Dựa trên các thông số và ưu, nhược điểm của sàn mà chúng tôi đưa ra, bạn có thể dễ dàng nhận biết đâu là sàn giao dịch phù hợp nhất với nhu cầu đầu tư của mình.

Bản tin chứng khoán quốc tế ngày hôm nay

Tiền đổ vào chứng khoán thấp nhất 5 tháng

Top đánh giá sàn – Thanh khoản sàn TP HCM đạt chưa đến 17.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng năm tháng qua khi nhiều nhà đầu tư trong nước đã “kích hoạt” tâm lý nghỉ Tết.

Kỳ nghỉ dài ngày đang đến gần khiến nhà đầu tư chứng khoán giao dịch thận trọng, thậm chí một số đã cơ cấu danh mục trước đó vài ngày để đón Tết.

Tiền đổ vào chứng khoán thấp nhất 5 tháng

Tham khảo thêm:

Tâm lý này khiến giá trị giao dịch giảm mạnh, dao động quanh 22.000-24.000 tỷ một phiên kể từ giữa tháng. Cá biệt hôm nay (27/1), dòng tiền chảy vào thị trường chưa đến 17.000 tỷ đồng, giảm gần 7.000 tỷ đồng so với hôm qua và đánh dấu mức thấp nhất trong vòng năm tháng trở lại đây.

Lực bán hôm nay áp đảo hoàn toàn lực mua. VN-Index vận động dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian và có thời điểm mất 17 điểm. Chỉ số thu hẹp dần biên độ giảm trong những phút cuối phiên và đóng cửa sát vùng 1.471 điểm, mất gần 11 điểm.

Số lượng cổ phiếu giảm gần gấp đôi cổ phiếu tăng, lần lượt là 291 và 151 mã. Các mã có tính chất đầu cơ như QCG, LDG, DIG đồng loạt giảm sàn và không có bên mua. Cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC có sự phân hóa mạnh khi ROS giảm hết biên độ, FLC mất 3,3% trong khi các mã còn lại như ART, AMD, KLF tăng nhẹ hoặc giữ tham chiếu.

VCB mất 3,7% xuống 91.000 đồng, trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chung. MSN, HPG, CTG và DIG xếp tiếp theo trong danh sách này. Ở chiều ngược lại, VNM hôm nay tích lũy 4,3% lên 83.000 đồng, là trụ đỡ quan trọng giúp thị trường tránh phiên giảm sâu.

Sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, dòng tiền chảy vào cổ phiếu bất động sản và công nghiệp có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhà đầu tư trong nước tập trung mua các cổ phiếu tài chính – ngân hàng để đón sóng triển vọng kinh doanh sắp tới. Trong số 5 mã ghi nhận giá trị giao dịch cao nhất thì ngân hàng có đến 4 đại diện là STB, VPB, MBB và LPB.

Trong khi nhà đầu tư nội giao dịch ảm đạm thì khối ngoại lại tranh thủ gom hàng. Các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân hơn 1.700 tỷ đồng và bán ra chưa đến 1.600 tỷ đồng, kéo dài mạch mua ròng phiên thứ ba liên tiếp. Nhóm này tập trung giải ngân vào các cổ phiếu vốn hóa lớn và có nền tảng tốt như VHM, TPB, VRE, MBB, MWG.

Giao dịch chứng khoán xuyên biên giới ở châu Á sẽ dùng blockchain

ADB vừa khởi động dự án sử dụng công nghệ blockchain cho giao dịch chứng khoán xuyên biên giới ở Châu Á – Thái Bình Dương.

Các giao dịch chứng khoán xuyên biên giới trong ASEAN+3 (10 nước ASEAN và 3 nước Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) hiện được xử lý qua mạng lưới toàn cầu. Mạng lưới này gồm các ngân hàng giám sát và ngân hàng đại lý, thông qua các trung tâm toàn cầu tại Mỹ hoặc châu Âu. Vì vậy, việc xử lý giao dịch nội vùng trong ASEAN+3 mất ít nhất hai ngày, do sự khác biệt về thời gian cũng như giờ làm việc khác nhau của các thị trường trong cùng múi giờ.

Giao dịch chứng khoán xuyên biên giới ở châu Á sẽ dùng blockchain

Theo ADB, việc kết nối trực tiếp các tổ chức trong một mạng lưới blockchain có thể làm giảm chi phí giao dịch. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giảm rủi ro thanh toán là khả năng chứng khoán không được giao dịch trong một khung thời gian đã thỏa thuận.

Ngân hàng này dự kiến làm việc với các công ty blockchain hàng đầu để tìm cách phát triển cách thức kết nối trực tiếp các ngân hàng trung ương và cơ quan lưu ký chứng khoán trong khu vực ASEAN+3 trong một mạng lưới blockchain.

Dự án sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn: giai đoạn thiết kế, hoàn thành vào cuối tháng 3/2022; giai đoạn xây dựng nguyên mẫu, dự kiến hoàn thành trong quý II/2022.

Kết quả sẽ được thảo luận với các quan chức chính phủ ASEAN+3 và các thành viên của Diễn đàn Cơ sở hạ tầng thanh toán xuyên biên giới của Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á, bao gồm các ngân hàng trung ương và các cơ quan lưu ký chứng khoán trong khắp khu vực.

ADB đang hợp tác cùng ConsenSys, Fujitsu, R3 và Soramitsu trong dự án này. Dự án cũng sẽ đánh giá khả năng tương tác của các hệ thống và tính khả thi của các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong khu vực. Dự án được hỗ trợ bởi chương trình Digital Innovation Sandbox của ADB, một nền tảng dành cho các đối tác thuộc khu vực công và tư để hợp tác về các giải pháp kỹ thuật số.

Chứng khoán lại bị bán tháo

Sau chuỗi đi lên ba phiên liên tiếp, VN-Index đảo chiều giảm sâu hơn 33 điểm trong phiên đầu tuần do nhà đầu tư trong nước xả hàng trên diện rộng.

Chuỗi tăng ba phiên vào cuối tuần trước, theo nhận định của nhiều nhóm phân tích, đã đánh dấu việc thị trường thoát khỏi vùng nhiễu động. Tuy nhiên, chỉ số đại diện cho sàn TP HCM nhiều khả năng không bật lên tiếp mà sẽ đi ngang trong tuần cuối trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là sự ảnh hưởng của các yếu tố bất lợi trong nước không còn nhiều nhưng nhà đầu tư vẫn còn tâm lý lo ngại sau nhịp giảm sốc.

Thực tế cho thấy dự đoán này có cơ sở khi VN-Index không thể kéo dài mạch tăng mà điều chỉnh mạnh ngay phiên đầu tuần. Chỉ số đại diện cho sàn TP HCM sáng nay (24/11) có lúc mất gần 20 điểm, sau đó thu hẹp dần biên độ giảm còn 8 điểm trước giờ nghỉ trưa.

Chứng khoán lại bị bán tháo

Bước vào phiên chiều, đà bán tháo được kích hoạt. Áp lực xả hàng bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thể hiện qua việc có 24 cổ phiếu thuộc nhóm này giao dịch dưới tham chiếu, sau đó lan ra trên diện rộng. Số lượng cổ phiếu giảm có thời điểm lên đến 420 mã, trong đó 114 cổ phiếu mất hết biên độ.

VN-Index liên tiếp xuyên thủng các vùng hỗ trợ quan trọng như 1.450 điểm, 1.440 điểm. Chỉ số đóng cửa tại 1.439,71 điểm, mất hơn 33 điểm so với tham chiếu. Tính theo giá trị tuyệt đối thì đây là phiên giảm mạnh thứ hai kể từ đầu tháng 12/2021, chỉ sau phiên mất hơn 43 điểm cách đây một tuần.

Trong buổi sáng, cổ phiếu ngân hàng là trụ đỡ quan trọng để ngăn đà giảm sâu nhưng đến buổi chiều lại phân hóa mạnh. VCB “gánh” thị trường khi tăng 4,3% lên 93.000 đồng, tiếp sau là ACB, EIB, TCB tăng trên 1%. Ở chiều ngược lại, TPB bị bán mạnh và có lúc chạm sàn. STB, MSB, VPB, VIB cũng chịu áp lực xả hàng không kém khi đều giảm hơn 2%.

Các cổ phiếu đầu cơ thuộc nhóm bất động sản sau ba phiên hồi phục lại bị bán tháo. HQC, QCG, LDG, DIG, KHG đều giảm sàn và không có bên bán. CEO sáng nay tăng trần lên 68.900 đồng nhưng đến chiều lại lao dốc, mất hơn 9% so với tham chiếu còn 57.000 đồng.

Tất cả cổ phiếu liên quan đến Tập đoàn FLC như FLC, ROS, ART, AMD, HAI, KLF buổi sáng đi lên nhưng đến chiều không tránh được áp lực bán tháo. Các mã này đồng loạt giảm hết biên độ và trắng bên mua, thanh khoản giảm sâu so với phiên cuối tuần trước.

Thanh khoản thị trường xấp xỉ 24.800 tỷ đồng, trong đó rổ VN30 đóng góp gần 11.000 tỷ đồng. Hôm nay có ba cổ phiếu ghi nhận giá trị giao dịch hơn nghìn tỷ là HPG, MBB và STB. Các cổ phiếu xếp sau như SSI, GEX, VND, VIG có giá trị sang tay khoảng 570-800 tỷ đồng và đều chốt phiên tại giá sàn, không còn bên mua.

Nhà đầu tư nước ngoài kéo dài chuỗi bán ròng bốn phiên liên tiếp. Giá trị bán hôm nay hơn 1.700 tỷ đồng nhưng mua vào chưa đến 1.500 tỷ đồng. VIC, HPG và FPT là ba mã chịu áp lực bán mạnh nhất của khối ngoại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *