

1.Dự báo kinh tế của IMF “đè nặng” lên chứng khoán thế giới

Dự báo của IMF gây áp lực với chứng khoán thế giới
Chứng khoán thế giới hầu hết đi xuống trong phiên 11/10, khi thị trường đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng tăng với báo cáo ảm đạm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu bật những rủi ro lạm đối với kinh tế toàn cầu.
Tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P 500 sụt mất 0,7% xuống 3.588,84 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1,1% và khép phiên ở mức 10.426,19 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 0,1%, lên 29.239,19 điểm. Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu không tránh được xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 1,1% xuống 6.885,23 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,4% xuống 12.220,25 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,1% xuống 5.833,20 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,5% xuống 3.340,35 điểm.
Yếu tố tác động nhiều tới thị trường trong phiên này là báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF. Trong dự báo mới nhất được công bố hôm 11/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,7%. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng thế giới cho năm nay ở mức 3,2%.
2. BoE tiếp tục hành động

BOE tiếp tục hành động
để đảm bảo sự ổn định tài chính của nước Anh
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) hôm 11/10 đã tiết lộ thêm các biện pháp nhằm xoa dịu thị trường tài chính, sau khi kế hoạch ngân sách của Chính phủ Anh làm dấy lên những lo ngại về rủi ro đối với sự ổn định tài chính quốc gia. Một ngày sau khi ra mắt một công cụ tạm thời nhằm giảm bớt áp lực thanh khoản, BoE cho biết sẽ mở rộng phạm vi mua trái phiếu chính phủ Anh hàng ngày cho đến ngày 14/10.
Theo BoE, động thái mới nhất sẽ như một bước hỗ trợ tiếp theo để khôi phục các điều kiện thị trường theo cách có trật tự. Trái phiếu Chính phủ Anh tiếp tục được định giá lại đáng kể trong đầu tuần này, đặc biệt là các trái phiếu có liên kết với chỉ số chứng khoán. Ngân hàng trung ương sẽ mua vào loại trái phiếu nêu trên theo kế hoạch mua trái phiếu mở rộng trong tuần này.
Động thái trên nhằm phản ứng với việc lợi suất trái phiếu của Vương quốc Anh tăng vọt và đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, sau khi chính phủ của tân Thủ tướng Liz Truss công bố việc cắt giảm thuế và vay thêm nợ để bù đắp trong kế hoạch ngân sách công bố hồi tháng trước.
3. Thâm hụt ngân sách của Đức giảm trong nửa đầu năm 2022
Dù Đức phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, song trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ thâm hụt ngân sách quốc gia của nền kinh tế đầu tàu châu Âu vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu ngân sách của Đức tăng 11,9% lên 841,4 tỷ euro, trong khi tổng chi đã giảm 1% xuống 874,3 tỷ euro. Như vậy, mức thâm hụt ngân sách là 32,9 tỷ euro, giảm mạnh so với mức thâm hụt 131,1 tỷ euro trong nửa đầu năm 2021. Do lạm phát cao, nguồn thu từ thuế và các loại phí tăng mạnh đã góp phần gia tăng thu ngân sách. Trong nửa đầu năm 2022, nguồn thu từ thuế và các loại phí đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 744,2 tỷ euro.

Thâm hụt ngân sách của Đức đã giảm
Trong các loại thuế, mức tăng thuế bán hàng đạt cao nhất: ở cấp liên bang, doanh thu từ thuế bán hàng và thuế nhập khẩu tăng 30,4% lên 68,2 tỷ euro; tại các bang mức tăng này là 23,2% lên 70,1 tỷ euro. Mức tăng thu này một phần cũng là do lạm phát tăng cao khiến thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng theo. Tuy nhiên, các chuyên gia thống kê cho rằng nguồn thu thuế tăng này chủ yếu dựa vào doanh thu bán hàng trong các tháng từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại sau đại dịch.
4. Nga xem xét thay đổi hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc
Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Nga Victoria Abramchenko cho biết Chính phủ Nga đang xem xét thay đổi hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc nhờ năng suất vụ mùa thu hoạch được ở mức cao. Bà Abramchenko nói: “Vụ thu hoạch cao nên có những điều kiện tiên quyết để thay đổi định lượng. Chính phủ đang làm việc về vấn đề này. Vụ mùa cao mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu, trong khi bão hòa cho thị trường nội địa là ưu tiên”.
Trước đó, Bộ phát triển kinh tế LB Nga cho biết biện pháp này nhằm đảm bảo an ninh lương thực của LB Nga, cũng như hạn chế sự tăng giá trong nước đối với các loại cây lương thực cơ bản.
Hạn ngạch xuất khẩu ngũ cốc hàng năm của Nga có hiệu lực từ ngày 15/2 đến ngày 30/6. Hạn ngạch đối với lúa mì vào năm 2022 là 8 triệu tấn, đối với lúa mạch đen, lúa mạch và ngô – tổng cộng là 3 triệu tấn. Vụ thu hoạch ngũ cốc ở Nga vào năm 2022 dự kiến là 150 triệu tấn, trong đó có 100 triệu tấn lúa mì.
5. Renault và Nissan thảo luận về tương lai của liên minh ô tô
Nhà sản xuất ô tô Pháp Renault và đối tác Nissan đang đàm phán về tương lai của liên minh, bao gồm việc nhà sản xuất ô tô Nhật Bản này xem xét sẽ đầu tư vào liên doanh xe điện Renault mới. Cổ phiếu của Renault đã tăng tới 6% vào đầu phiên 10/10, khiến cổ phiếu này trở thành cổ phiếu tốt nhất trong số các cổ phiếu có tên trong chỉ số chứng khoán CAC-40 của Pháp.
Các cuộc đàm phán giữa hai nhà sản xuất ô tô này, có thể thúc đẩy sự tái lập lớn nhất trong liên minh kể từ vụ bắt giữ Giám đốc điều hành Carlos Ghosn năm 2018. Các cuộc đàm phán giữa hai bên dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trước buổi thuyết trình của nhà đầu tư Renault vào ngày 8/11, khi hãng dự kiến sẽ cập nhật thông tin về công ty xe điện (EV) mới của mình.
Renault sở hữu 43% cổ phần của Nissan, trong khi Nissan sở hữu 15% cổ phần của hãng xe Pháp. Chính phủ Pháp cũng sở hữu 15% trong Renault. Vào đầu năm nay, Nissan và Renault đã lên kế hoạch chi tiết đầu tư 26 tỷ USD trong vòng 5 năm để phát triển xe EV.