1. Fitch dự báo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong mùa Xuân năm tới

Fitch dự báo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong mùa Xuân năm tới
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào cuộc suy thoái giống như năm 1990 vào mùa Xuân năm tới, khi lạm phát cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất. Fitch đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới, do một trong các chiến lược chống lạm phát quyết liệt nhất trong lịch sử của Fed. GDP của Mỹ dự kiến tăng trưởng 0,5% trong năm 2023, thay cho dự báo tăng trưởng 1,5% mà Fitch đưa ra hồi tháng 6/2022.
Mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ dự kiến ở mức vừa phải và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng từ 3,5% hiện nay lên 5,2% trong năm 2024. Con số dự báo này có nghĩa Mỹ sẽ mất hàng triệu việc làm, nhưng số lượng việc làm mất đi này ít hơn hai đợt suy thoái trước.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức cao kỷ lục 14,8% vào tháng 4/2020, với khoảng 20 triệu người mất việc làm sau khi đại dịch bùng phát. Các báo cáo của Bộ Lao động Mỹ sau đó cho thấy hàng trăm nghìn việc làm được tạo ra mỗi tháng. Lạm phát tại Mỹ ở mức 8,2% trong tháng Chín, gần mức kỷ lục 40 năm là 9,1% vào tháng Sáu, so với mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra. Giới đầu tư tin rằng Fed sẽ lần thứ tư tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11 tới.
2. Anh xem xét đánh thuế lợi tức ngân hàng

Nhiều khả năng Anh sẽ đánh thuế các ngân hàng
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt đang xem xét khả năng đánh thuế lợi tức các ngân hàng và công ty năng lượng nhằm bù đắp khoản thiếu hụt tài khóa 40 tỷ bảng (45,38 tỷ USD). Kế hoạch ngân sách của ông Hunt, dự kiến công bố vào ngày 31/10, sẽ gồm các khoản tăng thuế lớn và có thể bao gồm việc đánh thuế lợi tức các ngân hàng, vốn hưởng lợi lớn từ việc tăng lãi suất, và các công ty dầu khí. Bộ trưởng Hunt hiện đang cân nhắc mức thuế sẽ áp dụng cho các ngân hàng- hiện đang ở mức 27%, bao gồm 19% thuế doanh nghiệp và 8% phụ phí ngân hàng.
Ngày 17/10, ông Hunt xác nhận thuế doanh nghiệp sẽ tăng từ 19% lên mức 25% vào tháng Tư, song chưa quyết định duy trì phụ phí ngân hàng ở mức 8%, đồng nghĩa với việc ngành ngân hàng sẽ phải chịu mức thuế 33%. Dự kiến chính phủ Anh sẽ thu được ít nhất 28 tỷ bảng trong 3 năm trước khi thời hạn đánh thuế kết thúc vào tháng 12/2025. Kéo dài thời hạn đánh thuế trong 2 năm có thể giúp Bộ Tài chính thu thêm 10 tỷ bảng.
3. Nhật Bản diễn tập chống tấn công mạng vào hệ thống tài chính
Ngày 18/10, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) của Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập kiểm tra năng lực đối phó với các cuộc tấn công mạng của các tổ chức tài chính. Các cuộc tấn công mạng quy mô lớn đang diễn ra ở trong và ngoài Nhật Bản và các hình thức tấn công ngày càng phức tạp. Vì vậy, cuộc diễn tập này sẽ giúp cải thiện năng lực ứng phó của tất cả các tổ chức tài chính.
Cuộc diễn tập kéo dài 10 ngày này có sự tham gia khoảng 160 tổ chức tài chính, trong đó có các ngân hàng, công ty chứng khoán và các công ty quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa. Các đơn vị tham gia diễn tập ứng phó các tình huống giả định như có sự rò rỉ thông tin khách hàng và tài sản ảo bị đánh cắp. Thông qua đó, FSA sẽ kiểm tra năng lực ứng phó liên quan tới hệ thống làm việc từ xa của các tổ chức tài chính trong bối cảnh số vụ tấn công nhằm vào các hệ thống làm việc từ xa đang gia tăng sau khi dịch COVID-19 bùng phát.
Số vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ sở kinh doanh và các cơ quan chính phủ Nhật Bản trong năm ngoái đã lên tới 12.209, cao nhất từ trước tới nay.
4. Bỉ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Đức
Bộ Ngoại giao Đức công bố tuyên bố chung sau Hội nghị Đức-Bỉ lần thứ 6 ngày 18/10 cho biết trong bối cảnh Đức có kế hoạch giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga, Bỉ đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Đức.
Tuyên bố chung có đoạn: “Đức và Bỉ đã từ lâu duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong lĩnh vực chính sách năng lượng và là đối tác tại các diễn đàn khu vực như Diễn đàn Năng lượng 5 bên gồm Đức, Bỉ, Áo, Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sỹ để phối hợp cung cấp năng lượng ở Tây Âu. Các trung tâm năng lượng của chúng ta được kết nối với nhau bằng đường ống và đường dây diện. Trong quá trình đa dạng hóa khỏi khí đốt của Nga, Bỉ, với các kho chứa LNG lớn tại Zeebrugge, đã trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai cho Đức”.
Liên quan công suất điện gió lắp đặt ngoài khơi, Bỉ đứng thứ 6 trên thế giới và Đức đứng thứ ba. Ngoài ra, cả hai quốc gia đang phối hợp với Đan Mạch và Hà Lan trong một dự án xuyên quốc gia nhằm sử dụng tiềm năng năng lượng của biển Bắc và Baltic. Tuyên bố chung hai nước khẳng định việc mở rộng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là trụ cột quan trọng nhất của chủ quyền châu Âu và hỗ trợ nền kinh tế của lục địa này trong dài hạn.
Xem thêm
- Cổ phiếu Warren Buffett này đã tạo dựng được con hào kinh tế tối thượng
- Giảm phát là gì? Những tác động của giảm phát đối với nền kinh tế
- Đánh giá CXChainxbt – Hãy tránh xa Chainxbt.com bằng mọi giá
5. TV 8K đối mặt nguy cơ bị “cấm cửa” tại EU
Ngày nay, 4K gần như đã trở thành tiêu chuẩn TV ở châu Âu. Màn hình 4K sẽ chưa sớm được thay thế trên thị trường bởi Liên minh châu Âu (EU) muốn chặn TV thế hệ mới tiêu chuẩn 8K tại thị trường của khối này vì các vấn đề tiêu thụ năng lượng. Vào năm 2021, EU đã chống lại việc tiêu thụ năng quá nhiều năng lượng liên quan đến một số thiết bị nhất định. Chỉ số hiệu quả năng lượng (IEE) được nâng lên và một số lượng lớn các thiết bị điện tử được xếp vào loại G (thấp nhất).
Các nhà chức trách châu Âu đang nâng cao quy định đối với IEE. Giờ đây mức tiêu thụ tối đa của một thiết bị cũng tính đến kích thước của màn hình tivi. Do đó, một chiếc tivi 55 inch (140 cm) sẽ phải tiêu thụ ít hơn 84 kWh để được phép bán tại châu Âu. Các nhà sản xuất sẽ phải thích ứng rất nhanh, do các tiêu chuẩn mới này sẽ được áp dụng từ ngày 1/3/2023.
Điều này đặt ra 2 vấn đề: hoặc các nhà sản xuất tìm cách giảm mức tiêu thụ điện của các thiết bị, hoặc 8K sẽ bị cấm ở châu Âu từ tháng 3/2023. Các thương hiệu đã tuyên bố hiện tại không thể tuân thủ các tiêu chuẩn này. EU sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay.