

KOF điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thụy Sỹ

Dự báo tăng trưởng kinh tế Thuỵ Sỹ
Viện Kinh tế Thụy Sỹ (KOF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 và năm 2023 của nước này, trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và xung đột ở Ukraine. Các nhà kinh tế cũng thay đổi dự đoán về lạm phát của Thụy Sỹ.
Theo KOF, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Sỹ sẽ tăng 1,9% trong năm nay, thấp hơn so với con số 2,2% mà tổ chức này đã đưa ra vào tháng 10/2022. Năm 2023, GDP của Thụy Sỹ cũng sẽ chỉ tăng 0,7%, giảm so với dự đoán trước đó là 1%. Lạm phát dự kiến là 2,9% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023. Ba tháng trước, các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát dự kiến lạm phát của Thụy Sỹ lần lượt là 3% và 2,4% cho năm 2022 và năm 2023.
Tuần trước, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) dự kiến tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 2% trong năm nay và 0,5% trong năm tới. Trong khi đó, Ban thư ký nhà nước về các vấn đề kinh tế Thụy Sỹ (SECO) dự đoán tăng trưởng nước này ước đạt lần lượt 2,1% và 0,7% cho năm 2022 và 2023.
Xem thêm: Bản tin tổng hợp kinh tế thế giới ngày 14/12/2022
Mỹ có thể trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô vào năm 2023
Mỹ có thể trở thành nhà sản xuất dầu thô ròng 2023
Mỹ đã trở thành cường quốc xuất khẩu dầu thô toàn cầu trong vài năm qua. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu vẫn không vượt nhập khẩu kể từ Thế chiến II. Song, điều này có thể thay đổi vào năm tới. Hiện nay, lượng xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang các quốc gia khác đã chạm mức kỷ lục 3,4 triệu thùng/ngày. Mỹ cũng xuất khẩu khoảng 3 triệu thùng/ngày các sản phẩm tinh chế như xăng và nhiên liệu diesel.
Mỹ cũng là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu, với tốc độ tăng trưởng dự kiến tăng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, Mỹ tiêu thụ 20 triệu thùng dầu thô/ngày, mức cao nhất thế giới trong khi sản lượng của nước này chưa bao giờ vượt quá 13 triệu thùng/ngày. Nhiều người vẫn cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là một quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn.
Để trở thành nhà xuất khẩu ròng dầu thô, Mỹ cần phải tăng cường sản xuất hoặc cắt giảm tiêu thụ. Nhu cầu xăng dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng 0,7% lên 20,51 triệu thùng/ngày vào năm tới, đồng nghĩa sản lượng dầu sẽ phải tăng thêm. Sản lượng dầu của Mỹ cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, kể cả Saudi Arabia và Nga. Sản lượng dầu của Mỹ có thể đạt kỷ lục 12,34 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Hơn nửa triệu người Anh rời bỏ lực lượng lao động
Nhiều lao động rời bỏ lao động tại Anh
Uỷ ban các vấn đề kinh tế của Thượng viện Anh vừa công bố báo cáo cảnh báo hơn nửa triệu người đã rời khỏi lực lượng lao động Anh kể từ đại dịch COVID-19, khiến nền kinh tế có nguy cơ tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao hơn.
Trong bối cảnh thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng, việc nghỉ hưu sớm ở nhóm từ 50 – 64 tuổi là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự gia tăng số người không tham gia lao động. Hiện con số này ở Anh là 565.000 người kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ngoài ra, tỷ lệ ốm đau gia tăng ở những người trưởng thành trong độ tuổi lao động, cùng như những thay đổi trong cơ cấu người di cư sau Brexit và dân số già hóa cũng là những động lực chính đằng sau sự gia tăng tình trạng “biến mất” của lực lượng lao động.
Tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng hơn sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, làm giảm nguồn thu thuế dành cho các dịch vụ công. Nguồn cung lao động giảm cũng có thể gây thêm áp lực lạm phát, khi các nhà tuyển dụng cạnh tranh để tuyển người bằng cách tăng lương. Tỷ lệ lạm phát đã giảm tốc từ mức cao nhất hơn 11% trong tháng 10/2022 xuống còn 10,7% trong tháng 11/2022. Tăng trưởng tiền lương trung bình ở Anh đã tăng lên khoảng 6% trong những tháng gần đây, dù vẫn thấp hơn đáng kể so với lạm phát.
Gần 60% người dân Hàn Quốc trong độ tuổi từ 40 đến 64 mắc nợ
Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, gần 60% người dân Hàn Quốc trong độ tuổi từ 40 đến 64 nợ ngân hàng và các tổ chức tài chính trong năm 2021 do nhiều người vay tiền để mua nhà trong bối cảnh giá bất động sản tăng. Tỷ lệ người Hàn Quốc ở độ tuổi trung niên vay tiền từ các ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác là 57,3% trong năm 2021, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm 2020.
Khoản nợ trung bình của những người độ tuổi trung niên đạt 58 triệu won (44.500 USD) trong năm 2021, tăng 11,6% so với năm trước đó. Những người ở độ tuổi 40 có số nợ nhiều nhất là 74,4 triệu won, những người ở độ tuổi 60 có số nợ lên tới 42 triệu won.
Nợ hộ gia đình nhiều lần được coi là lực cản chính đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này, vì số nợ của các hộ gia đình tăng cao sẽ hạn chế nhu cầu trong nước và do đó kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Tổng tín dụng hộ gia đình của Hàn Quốc đã tăng trong quý III năm nay mặc dù chi phí đi vay tăng. Dư nợ tín dụng hộ gia đình đã đạt khoảng 1,87 triệu tỷ won tính đến cuối tháng 9/2022, tăng 2.200 tỷ won so với ba tháng trước đó.
Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới vẫn giữ kín thông tin tài chính
Binance vẫn giữ kín các thông tin tài chính
Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Binance đang nỗ lực khôi phục lòng tin sau đợt khách hàng rút tiền vừa qua và giá trị đồng tiền của sàn này lao dốc. Trong tuần trước, trong vòng 72 giờ, số vốn bị rút ròng ra khỏi Binance khoảng 6 tỷ USD, nhưng nền tảng tài chính của sàn vẫn đảm bảo và Binance sẽ nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giám hộ quỹ của mình.
Sau khi sàn FTX đối thủ phá sản trong tháng trước, người sáng lập Binance, Changpeng Zhao, cam kết đảm bảo sự minh bạch. Tuy nhiên, Binance từ chối tiết lộ địa chỉ đặt Binance.com và thông tin tài chính cơ bản như doanh thu, lợi nhuận và dự trữ tiền mặt. Công ty sở hữu đồng tiền kỹ thuật số riêng, nhưng không cho biết đồng tiền này đóng vai trò ra sao trong bảng cân đối kế toán.
Vai trò lớn của Binance trên thị trường tiền kỹ thuật số, khi chiếm hơn một nửa tổng khối lượng giao dịch, đã khiến hoạt động của sàn này được các nhà chức trách Mỹ đặc biệt chú ý. Binance đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra liên quan đến hoạt động rửa tiền và các vi phạm các lệnh trừng phạt.