1. EU công bố mức giá trần khí đốt đề xuất

Bản tin tổng hợp kinh tế thế giới ngày 23/11/2022
Ngày 22/11, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson thông báo Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro (283 USD) mỗi megawatt giờ (MWh). Cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp. Đây là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng quá cao, không phù hợp với xu hướng tăng giá trên toàn cầu.
Bà Simson lưu ý việc áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro/MWh có thể không giúp hạ nhiệt giá khí đốt. Tuy nhiên, bà nói rằng biện pháp này sẽ cung cấp công cụ mạnh mẽ mà EU có thể sử dụng khi cần, bổ sung cho những nỗ lực cơ cấu hơn nhằm giảm giá khí đốt, cụ thể là bằng cách kiểm soát nhu cầu và đảm bảo cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu thông qua mua chung và chính sách năng lượng bên ngoài tích cực.
Các đề xuất trên sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng năng lượng EU dự kiến diễn ra ngày 24/11 tới.
Xem thêm: Lạm phát là gì? Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế năm 2022
2. OECD điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sỹ
OECD điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Thụy Sỹ
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Thụy Sỹ xuống 2,1% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 2,5%. Lý do chính khiến triển vọng tăng trưởng của Thụy Sỹ giảm là vì xung đột ở Ukraine đang ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như cản trở xuất khẩu của Thụy Sỹ và nhu cầu trong nước.
Đối với năm 2023, OECD dự báo mức tăng trưởng của Thụy Sỹ là 0,6%, giảm so với mức 1,4% ước tính trước đó. OECD cho biết sang năm 2024, việc mở rộng tăng trưởng sẽ phục hồi một chút lên 1,4%. Các nhà kinh tế kỳ vọng rằng người tiêu dùng Thụy Sỹ sẽ dần giảm tỷ lệ tiết kiệm và bắt đầu chi tiêu nhiều hơn vào năm 2024.
Lạm phát tương đối vừa phải ở Thụy Sỹ, nhưng giá năng lượng và lương thực tăng cao đang gây áp lực lên ngân sách của các hộ gia đình. Giá năng lượng tăng cũng sẽ giữ lạm phát cao hơn nhiều so với phạm vi mục tiêu của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB). OECD dự kiến tỷ lệ lạm phát ở mức 2,9% trong năm 2022, và chỉ giảm nhẹ xuống 2,5% vào năm 2024. OECD cũng tuyên bố rằng SNB do đó sẽ phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Vào tháng 9 năm nay, ngân hàng trung ương Thụy Sỹ đã tăng lãi suất lên mức dương lần đầu tiên sau 7 năm.
Xem thêm: USD/CAD đảo chiều khi BoC tăng lãi suất hạ nhiệt nền kinh tế
3. Triển vọng tăng trưởng của Anh ảm đạm nhất nhóm G20
Ngày 22/11, OECD nêu bật triển vọng nền kinh tế Anh sẽ trở thành nền kinh tế kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), không tính Nga, trong hai năm tới, và cảnh báo rằng các quốc gia phải tiếp tục coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu. OECD cho biết trong dự báo kinh tế mới nhất rằng GDP của Anh sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 và chỉ tăng 0,2% vào năm 2024.
OECD cũng chỉ trích cam kết của chính phủ Anh về việc giữ giá trần hóa đơn năng lượng trung bình của hộ gia đình ở mức 2.500 bảng Anh cho đến tháng 4/2023, cho rằng sự hỗ trợ không có mục tiêu này sẽ “làm tăng áp lực lên lạm phát vốn đã cao trong thời gian ngắn”, dẫn đến lãi suất và nợ cao hơn.
Dự báo mới nhất của OECD cho thấy tăng trưởng ở hầu hết mọi nền kinh tế lớn trong năm tới sẽ yếu hơn so với dự báo đưa ra vào tháng 6/2022, do lạm phát cao liên tục làm giảm sức chi tiêu của người dân.
4. Thêm một “đại gia” công nghệ Mỹ lên kế hoạch cắt giảm mạnh lao động
Thêm một “đại gia” công nghệ Mỹ lên kế hoạch cắt giảm mạnh lao động
Ngày 22/11, hãng sản xuất máy tính Hewlett Packard (HP) thông báo sẽ cắt giảm khoảng 6.000 việc làm trong 3 năm tới do nền kinh tế thế giới suy yếu tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ Mỹ. HP hiện có khoảng 61.000 nhân viên và kế hoạch cắt giảm việc làm được thực hiện để công ty này có thể tiết kiệm 1,4 tỷ USD chi phí hằng năm cho đến năm 2025, tương tự như các hãng công nghệ Meta, Amazon và Twitter.
Ông Enrique Lores, Giám đốc điều hành HP, cho biết kế hoạch này sẽ cho phép công ty phục vụ khách hàng tốt hơn và thúc đẩy việc tạo ra giá trị lâu dài bằng cách giảm chi phí và tái đầu tư vào các sáng kiến tăng trưởng quan trọng để nâng tầm doanh nghiệp trong tương lai. Trong quý cuối cùng của tài khóa 2022, doanh thu của HP đã giảm 11,2% xuống còn 14,8 tỷ USD.
Trước đó, Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động hiện có. Con số tương tự với Twitter là 50%. Mới đây nhất, Amazon cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên.
Xem thêm: Sàn “forex ảo” dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế
5. Sàn giao dịch tiền điện tử FTX nợ 50 chủ nợ lớn nhất hơn 3 tỷ USD
Theo tài liệu gửi lên tòa án Mỹ, sàn giao dịch tiền điện tử vừa phá sản FTX đang nợ 50 chủ nợ lớn nhất gần 3,1 tỷ USD, trong đó 1,45 tỷ USD là số nợ của 10 chủ nợ lớn nhất, song tài liệu không nêu cụ thể chủ nợ đó là những bên nào.
Sự sụp đổ của FTX đã làm rung chuyển ngành công nghiệp tiền điện tử và làm “bay hơi” khối tài sản trên giấy tờ trị giá hơn 15 tỷ USD của nhà sáng lập sàn giao dịch này – Sam Bankman-Fried – chỉ trong vài ngày.
Hôm 11/11, FTX và ít nhất 101 công ty liên kết nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại bang Delaware (Mỹ). Ước tính có khoảng 1 triệu khách hàng và nhà đầu tư phải hứng chịu thiệt hại, song hiện vẫn chưa rõ mức độ thiệt hại cụ thể do hồ sơ lưu trữ kém. Hiện đã được các chuyên gia giải quyết phá sản tiếp quản, FTX cho biết đã tiến hành rà soát chiến lược tài sản toàn cầu của công ty này và đang chuẩn bị bán và tái tổ chức một số doanh nghiệp, với sự trợ giúp của ngân hàng đầu tư Perella Weinberg Partners.