Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục hạ nhiệt sau khi giảm mạnh vào tháng 10/2023
Trong bài phỏng vấn đăng ngày 9/11 trên trang mạng của ECB, Phó Chủ tịch ngân hàng này, ông Luis de Guindos cho rằng tình hình lạm phát ở Eurozone đã có diễn biến “tích cực” khi cả lạm phát toàn phần và lạm phát lõi đã giảm đáng kể trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, ông Guindos lưu ý sẽ có những rủi ro về tình hình lạm phát trong vài tháng tới. ECB sẽ tiếp tục dựa trên các dữ liệu về kinh tế và quan điểm tại các cuộc họp để đưa ra các quyết định về lãi suất.
Trong cuộc họp tháng 10, ECB đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở mức 4% sau khi thực hiện 10 đợt tăng lãi suất kể từ tháng 7/2022. Lạm phát tại Eurozone được dự báo sẽ về mức mục tiêu 2% vào năm 2025. Hai tháng qua đã chứng kiến mức lạm phát giảm mạnh từ 5,2% vào tháng 8 xuống 4,3% trong tháng 9. Hồi cuối tháng 10, Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ước tính lạm phát trong tháng này là 2,9%.

Lạm phát của khu vực Eurozone sẽ tiếp tục hạ nhiệt
Ngoài ra, rất nhiều tin tức kinh tế – tài chính quốc tế trong 24 giờ qua cũng đã thu hút sự quan tâm chú ý của giới đầu tư.
Fed phát đi những tín hiệu bất ngờ về chính sách tiền tệ
Phát biểu tại một hội nghị ở Washington ngày 9/11, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này đã chuẩn bị sẵn sàng để tăng lãi hơn nữa nếu điều đó cần thiết để đưa lạm phát xuống mục tiêu dài hạn 2%.
Theo ông Powell, tiến trình hướng tới mục tiêu lạm phát 2% chưa được đảm bảo và Fed đã phát hiện một số sai sót. Nếu việc thắt chặt chính sách lại phù hợp với tình hình, Fed sẽ không ngần ngại hành động. Tuy nhiên, Chủ tịch Powell cảm thấy chính sách tiền tệ của Fed “có thể” đang trong thời điểm “mang tính hạn chế đáng kể”. Điều này cho thấy Fed vẫn tự tin vào lập trường chính sách hiện tại.
Giới quan sát đánh giá, bình luận của Chủ tịch Fed cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ vẫn lo ngại về khả năng lạm phát tăng tốc trở lại. Hiện lạm phát của nước này đã giảm tới hơn một nửa kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2022.
Bất chấp việc Fed đẩy lãi suất lên mức cao 5,25-5,50%, tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và thị trường lao động vẫn khá sôi động dù gần đây đã có một số dấu hiệu chậm lại. Các số liệu kinh tế khả quan gần đây đã làm tăng khả năng xảy ra kịch bản “hạ cánh mềm”, theo đó Fed kiểm soát lạm phát thành công mà không khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Trung Quốc lại rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 10/2023
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính về lạm phát, trong tháng 10/2023 đã giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này cho thấy tình trạng giảm phát đã quay trở lại Trung Quốc, sau khi CPI phục hồi nhẹ trong tháng 9 và tháng 8, từ mức giảm 0,3% trong tháng 7.

Lạm phát của khu vực Eurozone sẽ tiếp tục hạ nhiệt
Hồi đầu tuần, các số liệu cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt, làm dấy lên hy vọng rằng lực lượng người tiêu dùng khổng lồ của nước này đang bắt đầu hoạt động tích cực hơn.
Sự sụt giảm CPI có liên quan đến việc nhu cầu tiêu dùng giảm sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu, cũng như yếu tố nguồn cung nông sản tăng cao giúp giảm giá các mặt hàng này. Giảm phát đồng nghĩa với việc giá hàng hóa rẻ hơn, nhưng lại gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế khi người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua hàng với hy vọng giá giảm thêm. Bên cạnh đó, nhu cầu suy yếu có thể buộc các công ty phải cắt giảm hoạt động sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân và đưa ra các đợt giảm giá mới để bán hết hàng tồn kho. Những động thái này sẽ làm giảm lợi nhuận ngay cả khi chi phí sản xuất vẫn giữ nguyên.
Trung Quốc đã trải qua thời kỳ giảm phát ngắn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, phần lớn là do giá thịt lợn giảm mạnh. Trước đó, thời kỳ giảm phát gần đây nhất tại nước này là vào năm 2009.
Mạng xã hội X có thể mất hàng triệu euro vì tiền điện tử
Mới đây, Cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Tây Ban Nha xác nhận đang mở một cuộc điều tra về việc liệu nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây là Twitter), có vi phạm các quy định về quảng cáo tiền điện tử hay không.
Cơ quan này đã phát hiện quảng cáo trên X của một công ty tài chính không được ủy quyền trong những ngày gần đây. Đoạn quảng cáo sử dụng trái phép hình ảnh của một số diễn viên Tây Ban Nha và sao chép logo, cũng như thương hiệu của các phương tiện truyền thông quốc gia để lấy dữ liệu và tiền từ các nhà đầu tư.
Việc đăng những quảng cáo được cho là lừa đảo như trên sẽ vi phạm các quy định được thông qua vào đầu năm 2023 ở Tây Ban Nha, trong đó yêu cầu các trang mạng, phương tiện truyền thông và mạng xã hội phải tiếp thị tốt hơn cho các dịch vụ tài chính. Nền tảng xã hội X có thể phải đối mặt với mức phạt ít nhất 5 triệu euro (5,35 triệu USD).
Sony lạc quan về triển vọng kinh doanh
Tập đoàn điện tử Sony (Nhật Bản) đã nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm 2023 khi lĩnh vực trò chơi, âm nhạc và cảm biến hình ảnh hoạt động tốt. Sony dự kiến lợi nhuận ròng sẽ đạt 880 tỷ yen (5,8 tỷ USD) trong năm tài chính tính đến tháng 3/2024, tăng so với mức dự kiến 860 tỷ yen trước đó. Doanh thu hàng năm của tập đoàn sẽ đạt 12.400 tỷ yen, cao hơn so với mức dự kiến 12.200 tỷ yen trước đó.

Lạm phát của khu vực Eurozone sẽ tiếp tục hạ nhiệt
Đồng yen yếu đã thúc đẩy lĩnh vực trò chơi và âm nhạc của Sony có kết quả kinh doanh tốt, doanh thu của tập đoàn tăng cũng nhờ các dịch vụ phát trực tuyến. Tuy nhiên, Sony đang gặp khó khăn, lợi nhuận sẽ có thể bị ảnh hưởng do các cuộc đình công ở Hollywood và doanh số bán dòng máy chơi game PlayStation 5 không mấy khả quan.
Lợi nhuận ròng của Sony trong quý III/2023 đã giảm 29% so với cùng kỳ năm trước xuống 200 tỷ yen. Trong sáu tháng tính đến tháng 9/2023, lợi nhuận ròng đã giảm 23% so với cùng kỳ năm trước xuống 417 tỷ yen.