Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong tuần trước nhưng đã đảo chiều giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng 5/6 khi thị trường châu Á mở cửa. Ngược lại, thị trường “vàng đen” lại đi lên sau khi các nước thành viên OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng. Thị trường tiền số cũng khởi sắc, khi Bitcoin giữ vững ngưỡng 27.000 USD.
Đồng USD mạnh gây áp lực lên vàng
Trong phiên giao dịch sáng 5/6, giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống, khi đồng USD tăng giá sau báo cáo lạc quan về thị trường việc làm Mỹ.
Vào lúc 7 giờ 41 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.945,66 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,3% xuống 1.963,10 USD/ounce.
Phiên này, chỉ số đồng USD tăng 0,2%, khiến vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Trong phiên cuối tuần trước, giá vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 1.951,13 USD/ounce. Tuy nhiên, kim loại quý vẫn khép lại tuần với mức tăng gần 0,10% và phá chuỗi ba tuần giảm liên tiếp.
Nhận định về triển vọng giá vàng trong tuần này, hầu hết các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư bán lẻ đều tỏ ra lạc quan. Kết quả khảo sát của Kitco News cho thấy, 53% những người tham gia tin rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này; 26% cho rằng giá sẽ giảm; 21% dự báo giá đi ngang. Trong khi đó, theo kết quả khảo sát trên Phố Chính, 60% các nhà đầu tư bán lẻ kỳ vọng vàng tăng giá vào tuần này; 24% cho rằng giá sẽ thấp hơn; 15% giữ quan điểm trung lập trong thời gian tới.
Xem thêm: Nhịp đập thị trường ngày 02/06/2023
Dù vậy, giám đốc chiến lược thị trường Colin Cieszynski tại SIA Wealth Management Inc cho rằng sẽ khó vượt trên 2.000 USD/ounce, bất chấp việc những căng thẳng trong hệ thống chính trị và ngân hàng giảm bớt sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của vàng.
Giá dầu tăng khi OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng
Trái ngược với vàng, trong phiên giao dịch sáng 5/6, giá dầu tại thị trường châu Á tăng khoảng 2% sau khi Saudi Arabia – quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới – cam kết cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng Bảy.
Tại thời điểm viết bài, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,51 USD (2%) lên 77,64 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,41 USD (2%) lên 73,15 USD/thùng. Trong phiên cuối tuần trước, giá cả hai mặt hàng này đều tăng hơn 2% sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Giá dầu mở rộng đà tăng giữa bối cảnh ngày 4/6 Bộ Năng lượng Saudi Arabia cho biết sản lượng dầu của nước này sẽ giảm từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng Năm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy, ghi dấu mức giảm lớn nhất tại nước này trong nhiều năm.
Cam kết cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia diễn ra giữa lúc OPEC+ có thỏa thuận hạn chế nguồn cung vào năm 2024 để thúc đẩy giá dầu. OPEC+ hiện cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới. Liên minh này đã cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.
Các nhà phân tích của ANZ nhận định động thái của Saudi Arabia có thể gây bất ngờ, khi sự thay đổi hạn ngạch gần đây nhất chỉ mới có hiệu lực trong một tháng. Theo các nhà phân tích này, thị trường dầu hiện nay sẽ thắt chặt hơn nữa trong nửa cuối năm nay. Trong khi đó, công ty tư vấn Rystad Energy cho rằng, động thái cắt giảm bổ sung của Saudi Arabia có khả năng làm giảm nguồn cung trên thị trường hơn 3 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy và điều này có thể đẩy giá cao hơn trong những tuần tới.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent giao tháng 12/2023 có thể tăng thêm 1-6 USD/thùng tùy thuộc vào khoảng thời gian Saudi Arabia duy trì sản lượng ở mức 9 triệu thùng/ngày trong 6 tháng tới.
Thị trường tiền số tăng nhẹ
Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã phản ứng tích cực với hỏa thuận trần nợ và dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 5 công bố vào ngày 2 tháng 6 bằng các đợt phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số S&P 500 tăng 1,8% trong tuần trong khi chỉ số Nasdaq tăng 2%.
Tuy nhiên, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán không thể kích hoạt đợt tăng tương tự cho Bitcoin (BTC) và các altcoin. Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới đã khép tuần trong sắc đỏ với mức giảm hơn 3%. Dù vậy, một điểm tích cực nhỏ là Bitcoin vẫn duy trì trên ngưỡng 27.000 USD. Cùng với đó, một số loại tiền điện tử lớn đã ngừng giảm và đang cố gắng bắt đầu phục hồi.
Tại thời điểm viết bài, Bitcoin đang giao dịch ở mức 27.259 USD, tăng nhẹ 0,62%. Thị trường diễn biến trái chiều, nhưng đa số các đồng tiền điện tử đều tăng giá.
Bitcoin đã giao dịch gần với đường trung bình động hàm mũ (EMA) 20 ngày (tại 27.233 USD) trong ba ngày qua. Đường EMA 20 ngày đi ngang và chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) nằm ngay dưới điểm giữa, cho thấy sự cân bằng giữa cung và cầu.
Nếu lực mua tăng lên, giá BTC có thể vượt lên trên đường kháng cự của mô hình kênh giảm dần và hướng tới ngưỡng 31.000 USD.
Ngược lại, nếu lực bán tăng lên khiến đồng tiền số này phá vỡ và đóng cửa dưới ngưỡng hỗ trợ 25.250 USD, nó có thể giảm về ngưỡng 20.000 USD.