Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ đã và đang tác động tới hầu hết tất cả các tài sản. Trái với kỳ vọng của nhiều nhà giao dịch, vàng đã không thể bứt phá nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường ngày càng không chắc chắn. Trong khi đó, nỗi lo về vấn đề nợ công Mỹ đang tạo áp lực giảm giá lên thị trường nhiên liệu. Thị trường tiền số cũng đang chìm trong sắc đỏ.
Vàng giảm trước áp lực từ đồng USD mạnh
Giá vàng thế giới giảm trong phiên 11/5 do đồng USD mạnh lên và lấn át sự hỗ trợ đối với vàng trước những rủi ro kinh tế kéo dài.
Tại thời điểm viết bài, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.013,84 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,8% xuống 2.020,50 USD/ounce.
Giá vàng ban đầu đã tăng vọt sau số liệu cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ tăng tăng cao hơn dự kiến trong tuần gần nhất, lên tới 264.000 so với mức tăng dự báo là 245.000. Cùng với đó, chỉ số giá sản xuất PPI tháng 4 cũng tăng 0,2%, tăng 0,3% so với dự báo từ tháng 3.
Tuy nhiên, đồng USD tăng giá đã xóa sạch mức tăng của vàng, khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ bằng các đồng tiền khác.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals, cho biết tình hình không chắc chắn của lĩnh vực ngân hàng, mới nhất là trường hợp của PacWest, đã thúc đẩy một số nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn như đồng USD.
Giá dầu giảm do lo ngại suy thoái kinh tế
Tương tự như vàng, thị trường nhiên liệu cũng đang gánh chịu áp lực từ nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ – quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Khép phiên giao dịch ngày 11/5, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,43 USD (1,9%) xuống 74,98 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,69 USD (2,3%) xuống 70,87 USD/thùng. Giá dầu giảm do những bất đồng về trần nợ của Mỹ làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế. Trong khi đó, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng và số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc cũng tác động tiêu cực tới thị trường.
Đáng chú ý, hai hợp đồng dầu chủ chốt này đều ghi nhận mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 4/5.
Đồng USD mạnh lên khiến dầu trở nên đắt hơn cho những khách hàng nắm giữ đồng tiền khác, đồng thời củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng tăng lãi suất, nhưng không có triển vọng cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Lãi suất cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu do chi phí vay tăng, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch và Associates cho biết những bất ổn liên quan đến trần nợ của Mỹ, các vấn đề ngân hàng gần đây có thể dẫn đến khủng hoảng tín dụng đối với phần lớn ngành dầu mỏ và khả năng suy thoái vẫn cao là trở ngại đáng kể đối với thị trường dầu mỏ.
Thị trường tiền số rực lửa
Bitcoin đã giảm xuống dưới ngưỡng 27.000 USD trong ngày thứ hai liên tiếp. Tại thời điểm viết bài, đồng tiền số này đang giao dịch ở khoảng 26.687 USD, giảm gần 3% so với 24 giờ qua.
Giá BTC đã hợp nhất dưới mức kháng cự 30.000 USD sau khi đột phá thất bại vào đầu tháng Tư. Áp lực giảm giá trong tuần qua cũng khiến giá BTC xuyên thủng đường trung bình động (MA) 50 ngày.
Các ngưỡng quan trọng cần chú ý tiếp theo là 25.000 USD, và dưới nó là đường MA 200 ngày tại 22.000 USD. Nếu không giữ được 2 ngưỡng ngày, Bitcoin sẽ chính thức xác nhận rơi vào xu hướng giảm giá.
Cùng chung đà giảm của Bitcoin, thị trường tiền số cũng đang chìm trong sắc đỏ với các đồng tiền số lớn như Ether giảm 3,59%, BNB giảm 2%…
Xem thêm: Nhịp đập thị trường ngày 8/5/2023