Kỳ vọng của thị trường về việc ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 đã tác động tiêu cực tới thị trường kim loại quý. Trong khi đó, thị trường nhiên liệu và thị trường tiền số lại có dấu hiệu khởi sắc nhờ những diễn biến tích cực trong các cuộc thỏa thuận về vấn đề trần nợ Mỹ.
Vàng có tuần giảm thứ ba liên tiếp
Dữ liệu kinh tế lạc quan và lạm phát cao là hai yếu tố chính tác động tới giá vàng trong tuần trước. Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng trên thị trường quốc tế ở quanh ngưỡng 1.946 USD/ounce, giảm khoảng 30 USD so với giá đóng cửa của tuần trước nữa, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu Bart Melek của TD Securities nhận xét, dữ liệu vĩ mô là yếu tố chính ảnh hưởng đến vàng vào cuối tuần này.
Theo đó, các số liệu hàng hóa và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đều vượt quá mong đợi, cho thấy lạm phát tháng 4 không những không giảm mà còn tăng vượt dự báo. Cụ thể, theo Bộ Thương mại Mỹ, PCE cốt lõi đã tăng lên 4,7% trong tháng 4, tăng so với dữ liệu tháng 3 và mức dự báo của các nhà kinh tế. Ngay sau khi dữ liệu được công bố, thị trường đảo ngược dự đoán từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tạm dừng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 6 sang dự đoán ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên cao hơn nữa.
Đánh giá về triển vọng của kim loại quý trong tuần này, các nhà phân tích Phố Wall đã chia rẽ về việc liệu vàng sẽ tiếp tục giảm hay sẽ hồi phục trở lại. Trong số 14 nhà phân tích ở Phố Wall, có 43% tỏ ra lạc quan vàng sẽ đi lên. Tương tự, 43% những người được hỏi dự đoán giá sẽ giảm, và chỉ có 14% có ý kiến trung lập.
Trong khi đó, kết quả khảo sát trực tuyến với các nhà đầu tư bán lẻ cho thấy tâm lý lạc quan vẫn chiếm ưu thế. Trong số 762 nhà đầu tư bán lẻ tham gia khảo sát, có 49% dự kiến giá sẽ tăng, 36% dự đoán giá giảm và 15% dự đoán giá đi ngang.
Giá dầu có tuần tăng thứ hai liên tiếp
Những diễn biến xoay quanh việc đàm phán trần nợ của Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã khiến giá dầu liên tục biến động tăng, giảm trong tuần qua. Cùng với đó, các thông điệp trái chiều về nguồn cung của OPEC+ trước cuộc họp chính sách đầu tháng 6, và sự giảm sốc trong dự trữ xăng dầu của Mỹ cũng là những nhân tố chính tác động đến thị trường nhiên liệu thế giới trong tuần.
Các quan sát trong tuần cho thấy, giá dầu bắt đầu tăng lên sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo về tình trạng thiếu dầu sắp xảy ra trong nửa cuối năm nay, khi cầu dự kiến vượt cung gần 2 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ xăng, dầu của Mỹ giảm mạnh hơn 6 triệu thùng cộng với tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về khả năng Mỹ sẽ tránh được tình trạng vỡ nợ đã tiếp thêm sức mạnh cho đà tăng giá của “vàng đen”.
Tuy nhiên, giá dầu bất ngờ đảo ngược đà tăng từ đầu tuần với mức giảm khoảng 3% sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hạ thấp triển vọng OPEC+ sẽ cắt giảm thêm sản lượng.
Sau bốn phiên tăng và một phiên giảm, giá dầu Brent chốt tuần ở mức 76,95 USD/thùng, còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 72,67 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,7%, còn giá dầu WTI tăng 1,6% so với tuần trước đó.
Tuần này, diễn biến về đàm phán trần nợ của Mỹ vẫn tiếp tục là đề tài sôi nổi và là nhân tố tác động đến giá xăng dầu. Các chuyên gia dự báo, giá dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Xem thêm: Nhịp đập thị trường ngày 26/5/2023
Bitcoin lấy lại ngưỡng 28.000 USD
Những triển vọng lạc quan về các cuộc đàm phán trần nợ Hoa Kỳ cũng đã thúc đẩy thị trường tiền số. Tuy nhiên, dù Bitcoin (BTC) đã lấy lại ngưỡng 28.000 USD tại thời điểm viết bài, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, việc duy trì giá ở các mức cao hơn sẽ không phải việc dễ dàng với phe bò.
Hiện tại, Bitcoin đã chạm đến vùng kháng cự trên cao giữa đường trung bình động hàm mũ (EMA) 20 ngày (tại 27.146 USD) và đường hỗ trợ của tam giác đối xứng. Khu vực này có khả năng chứng kiến một cuộc chiến gay gắt giữa phe bò và phe gấu.