So sánh sàn
Dựa trên các thông số và ưu, nhược điểm của sàn mà chúng tôi đưa ra, bạn có thể dễ dàng nhận biết đâu là sàn giao dịch phù hợp nhất với nhu cầu đầu tư của mình.

Nhịp sống tài chính kinh doanh – Ngày 13/6/2023

1. Phiên 12/6, chứng khoán Phố Wall đi lên

Trong phiên 12/6, chứng khoán Phố Wall đi lên, trước thềm công bố các số liệu kinh tế quan trọng và quyết định chính sách của các ngân hàng trung ương. Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên tăng 0,6% lên 34.066,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,9% lên 4.339 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,5% lên 13.461,92 điểm.

Nhịp sống tài chính kinh doanh - Ngày 13/6/2023

Các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào báo cáo chỉ số giá tiêu dùng dự kiến công bố ngày 13/6. Số liệu này có thể ảnh hưởng đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đáp ứng đúng kỳ vọng và bỏ qua việc tăng lãi suất sau hơn một năm hay không.

2. Giá vàng thế giới giảm

Giá vàng giảm khi giới giao dịch chuẩn bị cho một tuần bận rộn với các cuộc họp chính sách của nhiều ngân hàng trung ương bao gồm Fed. Ngoài ra, một loạt báo cáo quan trọng liên quan tới tình hình lạm phát của Mỹ cũng thu hút nhiều sự chú ý của thị trường.

Giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.953,77 USD/ounce lúc 0 giờ 40 phút (sáng 13/6 theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống mức 1.969,70 USD/ounce.

3. Giá “vàng đen” giảm khoảng 4%

Giá dầu thế giới giảm khoảng 3 USD/thùng vào phiên 12/6, khi giới phân tích nhấn mạnh nguồn cung toàn cầu đang gia tăng trong khi lo ngại về tăng trưởng nhu cầu. Những lo ngại trên được đưa ra ngay trước khi Mỹ công bố báo cáo quan trọng về lạm phát và cuộc họp của Fed.

Cụ thể, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,95 USD (3,9%) xuống 71,84 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 3,05 USD (4,4%) xuống 67,12 USD/thùng.

4. Kinh tế Nhật Bản dự báo sẽ khởi sắc trong quý II/2023

Theo kết quả khảo sát dự báo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính và Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 13/6, chỉ số tâm lý kinh doanh (BSI) của các doanh nghiệp nước này trong quý II/2023 là +2,7, lần đầu tiên đạt chỉ số dương sau hai quý âm. Đa số các doanh nghiệp lạc quan về tình hình kinh doanh sau một thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19.

Kinh tế Nhật Bản dự báo sẽ khởi sắc trong quý II/2023

Trong số các doanh nghiệp lớn thì chỉ số BSI của ngành sản xuất vẫn ở mức -0,4%, đánh dấu quý thứ ba liên tiếp ở mức âm nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức -10,5 trong quý I. Trong khi đó, ngành phi sản xuất đạt mức +4,1, tiếp tục mở rộng biên độ tăng so với quý I do các ngành dịch vụ, du lịch gần như được khôi phục hoàn toàn sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới và bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội.

Xem thêm: Nhịp sống tài chính kinh doanh – Ngày 12/6/2023

5.Tập đoàn Georg Fischer AG muốn mua lại công ty Uponor

Ngày 12/6, tập đoàn công nghiệp Georg Fischer AG đã đưa ra đề nghị trị giá nhất cho thương vụ mua lại công ty sản xuất thiết bị Uponor Oyj (Phần Lan), với mức giá 28,86 euro (khoảng 31 USD) cho mỗi cổ phiếu.

Nếu thành công, thương vụ này có trị giá khoảng 2,1 tỷ euro (khoảng 2,3 tỷ USD). Trong phiên giao dịch ngày 12/6, giá cổ phiếu của Uponor đã tăng 8,6%, trong khi giá cổ phiếu của Georg Fischer tăng 3,3% trên sàn giao dịch ở Zurich.

6. UBS hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse

Ngày 12/6, ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse, cho ra đời một ngân hàng khổng lồ với tổng giá trị tài sản và nguồn vốn lên tới 1.600 tỷ USD. Sau thương vụ, các cổ đông của Credit Suisse sẽ nhận 1 cổ phiếu của UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu của Credit Suisse mà họ đang nắm giữ.

UBS hoàn tất thương vụ thâu tóm Credit Suisse

Ngân hàng mới sẽ sử dụng 120.000 nhân viên trên toàn cầu, mặc dù UBS từng thông báo sẽ cắt giảm lao động nhằm giảm chi phí cũng như phát huy lợi thế của sự đồng bộ. 

7. FTC yêu cầu tòa án chặn thương vụ Microsoft thâu tóm Activision Blizzard

Ngày 12/6, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã yêu cầu Tòa án quận Bắc California ngăn chặn Microsoft hoàn tất thương vụ mua lại công ty trò chơi điện tử Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD trước thời hạn 18/7. Thẩm phán của Tòa án quận Bắc California sẽ nghe lập luận vì sao thương vụ trên vi phạm pháp luật từ FTC và vì sau nên “bật đèn xanh” cho vụ mua bán doanh nghiệp này từ Microsoft trước khi đưa ra quyết định.

FTC yêu cầu tòa án chặn thương vụ Microsoft thâu tóm Activision Blizzard

Microsoft đã chào mua Activision Blizzard vào đầu năm 2022 nhằm tạo ra công ty trò chơi điện tử lớn thứ ba thế giới tính theo doanh thu, đứng sau hai “ông lớn” Tencent (Trung Quốc) và Sony (Nhật Bản). Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận thương vụ trên, Cơ quan quản lý thị trường và cạnh tranh của Anh (CMA) lại cấm thương vụ này vào tháng 4/2023 với lập luận nó có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường trò chơi điện tử trực tuyến.

8. Người dân Hàn Quốc ngày càng chuộng thẻ tín dụng

Trong bối cảnh nền kinh tế “xứ sở kim chi” tiếp tục gặp khó khăn sau cuộc khủng hoảng COVID-19, số lượng thẻ tín dụng bình quân đầu người ở Hàn Quốc trong năm 2022 đã tăng đột biến. Đổi lại, số lượng thẻ thanh toán chỉ có thể được sử dụng khi có tiền trong tài khoản đã giảm đáng kể.

Theo số liệu của Hiệp hội Tài chính Tín dụng Hàn Quốc (CFAK) công bố ngày 13/6, số lượng thẻ tín dụng nội địa mà người dân Hàn Quốc sở hữu ở thời điểm cuối năm 2022 là 124,17 triệu thẻ, tăng 6,48 triệu thẻ so với mức 117,69 triệu thẻ của năm 2021. Đây cũng là số lượng thẻ tín dụng được kích hoạt cao nhất từ trước đến nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *