1. Cổ phiếu châu Âu đồng loạt giảm sàn
Trong phiên 19/6, tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,5% trong khi các nhà đầu tư tiếp tục chốt lời sau đà tăng gần đây. Chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) giảm 0,4%. Các chỉ số khác cũng giảm với chỉ số CAC 40 của thị trường Pari (Pháp) giảm 0,4% và chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,4%.
Thị trường Mỹ đóng cửa phiên này nghỉ lễ Juneteeth.
Các thị trường chứng khoán châu Á ngập sắc đỏ, với chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1%, Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1%. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,5%.
Xem thêm:
2. Giá vàng châu Á biến động trong biên độ hẹp
Giá vàng tại châu Á biến động trong biên độ hẹp khi thị trường tỏ ra thận trọng và chờ đợi bình luận tiếp theo của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Giá vàng giao ngay trong phiên giao dịch sáng 20/6 giữ ở mức 1.950,89 USD/ounce, còn giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.962,60 USD/ounce.
Các thị trường đang chờ đợi phát biểu trước quốc hội của Chủ tịch Powell trong ngày 21-22/6 để có thêm thông tin về chương trình lãi suất của Mỹ trong thời gian tới, sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp vừa qua.
3. Giá dầu thế giới giảm
Trong phiên giao dịch 19/6, giá dầu thế giới đi xuống, khi nhà đầu tư vẫn nghi ngại về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. Giá dầu thô Brent giảm 48 xu (0,6%) xuống 76,13 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 49 xu (0,7%) xuống 71,29 USD/thùng.
Khối lượng giao dịch phiên này tương đối thấp khi thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ. Tuần trước, giá cả hai mặt hàng trên đều tăng hơn 2%.
4. Các nhà sản xuất ô tô đứng trước gánh nặng thuế 4,3 tỷ euro
Ngày 20/6, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho biết các nhà sản xuất ô tô châu Âu có thể phải chịu thuế lên đến 4,3 tỷ euro (4,7 tỷ USD) do các quy định sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit), theo đó buộc các công ty này lấy nguồn linh kiện xe điện nhiều hơn từ Anh hoặc EU.
Theo thỏa thuận hậu Brexit giữa EU và Vương quốc Anh, xe điện cần phải có 45% nguồn cung ứng nguyên vật liệu và phụ tùng từ EU hoặc Anh từ năm 2024, và tỷ lệ này với bộ phận pin là 50-60%. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, mặt hàng xe điện sẽ bị Anh và EU áp thuế nhập khẩu 10%.
Xem thêm: Nhịp sống tài chính kinh doanh – Ngày 19/6/2023
5. Trung Quốc siết chặt quản lý sữa công thức cho trẻ em
Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chuẩn dinh dưỡng nghiêm ngặt đối với sữa công thức dành cho trẻ em. Điều này có nguy cơ khiến nhiều thương hiệu sữa quốc tế rời bỏ thị trường này, trong bối cảnh tỷ lệ sinh tại Trung Quốc có xu hướng giảm.
Các quy định mới được áp đặt từ tháng 2/2023, buộc các nhà sản xuất sữa công thức cho trẻ phải đầu tư mạnh hơn để sản xuất, tiến hành thử nghiệm, chứng nhận và đăng ký lại sản phẩm của họ với các cơ quan chức năng Trung Quốc, trước khi có thể đưa ra thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định các tiêu chuẩn mới hướng tới mục đích đưa sữa công thức cho trẻ càng gần sữa mẹ càng tốt, tuy nhiên đây là các tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới.
6. Fortescue mở rộng sản xuất pin và hệ thống truyền tải điện ở Anh
Công ty khai thác Fortescue Metals (Australia) đang mở rộng hoạt động sản xuất pin và hệ thống truyền tải điện tại nhà máy mới ở Oxfordshire (Vương quốc Anh). Nhà máy Banbury mới này sẽ mở cửa vào năm 2024 và hoạt động cùng với các cơ sở khác của Fortescue, bao gồm cả nhà máy Kidlington sẽ mở cửa vào cuối năm nay.
Nhà máy mới sẽ tập trung chủ yếu vào sản xuất công nghiệp nặng, điện và các hệ thống truyền tải điện không phát thải, đồng thời sẽ cung cấp dịch vụ lắp ráp tự động cho các module sạc pin. Công ty Fortescue cũng đang nhắm mục tiêu sản xuất mẫu đầu tiên vào tháng 7 hoặc tháng 8/2023.
7. Airbus đàm phán đơn đặt hàng lớn với Viva Aerobus
Hãng hàng không Airbus đang đàm phán để đạt được đơn đặt hàng lớn với hãng hàng không giá rẻ Viva Aerobus (Mexico) với thời gian giao hàng cho đến năm 2027. Số lượng máy bay thân hẹp mới dự định mua đang được 2 hãng thảo luận ở mức ba chữ số, nghĩa là ít nhất là 100 chiếc.
Viva Aerobus từ lâu đã trở thành mục tiêu cạnh tranh giữa Airbus và đối thủ Boeing. Năm 2013, hãng hàng không này chuyển đơn đặt mua máy bay từ Boeing sang Airbus với đơn đặt hàng trị giá tới 4 tỷ USD để mua 40 máy bay phản lực dòng A320- family của Airbus sau cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai “gã khổng lồ” sản xuất máy bay.
8. Indonesia tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với 159 nước
Truyền thông Indonesia cho biết, quyết định tạm dừng chính sách miễn thị thực đối với 159 nước do lo ngại về “sự gián đoạn trật tự công cộng và khả năng lây truyền dịch bệnh”. Quyết định đã được Bộ Pháp lý và Nhân quyền Indonesia ban hành.
Hiện chỉ có 9 nước ASEAN – gồm Brunei, Philippines, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam – cùng với Timor-Leste được hưởng chính sách miễn thị thực của Indonesia. Du khách từ 10 quốc gia này có thể lưu trú tại Indonesia tối đa 30 ngày với điều kiện sở hữu hộ chiếu hợp lệ và đặt trước vé máy bay.