1. Chứng khoán Phố Wall giảm điểm
Trong phiên 23/5, thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm tài chính do lo ngại nguy cơ vỡ nợ của Mỹ gia tăng sau khi vòng đàm phán mới nhất không đạt được bước đột phá. Chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên giảm 0,7% xuống 33.055,51 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,1% xuống 4.145,58 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,3% xuống 12.560,25 điểm.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Anh) lúc đóng cửa giảm 0,1% xuống 7.762,95 điểm. Chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) giảm 1,3% xuống 7.378,71 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) giảm 0,4% xuống 16.152,86 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 1% xuống 4.342,38 điểm. Thị trường chứng khoán Eurozone giảm khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế khu vực đồng euro chậm lại trong tháng 5/2023.
2. Giá vàng phục hồi sau các cuộc đàm phán trần nợ công của Mỹ
Giá vàng thế giới phục hồi trong phiên giao dịch 23/5, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và đồng USD rời khỏi các mức cao, trong khi một vòng đàm phán nữa về việc nâng trần nợ công của Mỹ kết thúc mà không có tiến triển.
Vào lúc 1 giờ 15 phút ngày 24/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.975,39 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm 0,8%. Giá vàng kỳ hạn giảm 0,1% và đóng phiên ở mức 1.974,50 USD/ounce.
3. Giá dầu thế giới tăng khi thị trường xăng ở Mỹ thắt chặt
Trong phiên 23/5, giá dầu thế giới tăng trước dự đoán thị trường xăng có thể thắt chặt hơn và cảnh báo từ Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia về khả năng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, tức OPEC+, cắt giảm sản lượng hơn nữa.
Khép phiên, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 85 xu Mỹ (1,1%), lên 76,84 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 86 xu Mỹ (1,2%), lên 72,91 USD/thùng.
Doanh số bán nhà mới của Mỹ tăng cao
Doanh số bán nhà mới dành cho một hộ gia đình Mỹ trong tháng 4/2023 đã tăng 4,1% lên mức 683.000 căn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, do sự thiếu hụt dai dẳng những ngôi nhà đã qua sở hữu trên thị trường và giá giảm mạnh so với mức cao của năm ngoái.
Xem thêm: Nhịp sống tài chính kinh doanh – Ngày 23/5/2023
Doanh số bán nhà mới của tháng 3/2023 cũng được điều chỉnh thấp hơn xuống còn 656.000 căn so với mức 683.000 báo cáo trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà mới đã tăng 11,8% trong tháng Tư. Giá nhà mới trung bình là 420.800 USD/căn, giảm 8,2% so với một năm trước.
Cuối tháng Tư, có 433.000 căn nhà mới được bán trên thị trường, tăng từ 432.000 căn trong tháng Ba. Với tốc độ bán hàng của tháng Tư, sẽ mất 7,6 tháng để để bán hết số nhà trên thị trường, giảm từ mức 7,9 tháng của tháng Ba.
Đức có kế hoạch trợ giá điện hơn 4 tỷ USD/năm
Chính phủ Đức có kế hoạch dành khoảng 4 tỷ euro (4,40 tỷ USD) hàng năm để trợ giá điện cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch ngành công nghiệp khỏi nhiên liệu hóa thạch và hạn chế các công ty chuyển hoạt động sản xuất – kinh doanh ra nước ngoài. Khoản trợ cấp này có thể giới hạn giá điện ở mức 6 xu cho mỗi kilowatt giờ (kWh), đáp ứng 80% mức tiêu thụ của các công ty công nghiệp và sẽ được loại bỏ dần vào năm 2030.
Năm 2022, Chính phủ Đức đã đưa ra các mức trần giá điện và khí đốt để bảo vệ ngành công nghiệp và các hộ gia đình khỏi ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao, nhưng các công ty ở Đức cho rằng giá điện vẫn còn quá cao.
Hungary khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên tại EU
Ngày 23/5, Ngân hàng Quốc gia Hungary (NBH) đã cắt giảm lãi suất tiền gửi 100 điểm cơ bản xuống 17%. Động thái đánh dấu đợt cắt giảm lãi suất khi lạm phát chậm lại đồng thời khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên tại châu Âu.
NBH đã áp dụng mức lãi suất tiền gửi khẩn cấp 18%, mức cao nhất ở EU, vào tháng 10/2022 để hỗ trợ đồng forint giữa bối cảnh lạm phát gia tăng. Sự cải thiện của cán cân tài khoản vãng lai, sự giảm tốc của lạm phát và đà tăng của đồng forint là những nhân tố góp phần vào việc bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ ngày 23/5. NBH đang đặt mục tiêu giảm lạm phát, vốn đang ở mức mức cao nhất tại EU (24%).
BP và Shell chạy đua mở rộng tại châu Âu
CEO hãng hàng không Ryanair Michael O’Leary cho biết hai “ông lớn” năng lượng BP và Shell đang chạy đua đầu tư vào EU sau khi khối này công bố các chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn cho các dự án xanh.
Gói trợ cấp được công bố gần đây của EU đã khiến việc đầu tư vào châu lục này trở nên hấp dẫn hơn, trong khi Anh lại “chậm chân”. Chính sách trợ cấp của EU có thể giúp giảm chi phí sản xuất nhiên liệu bay bền vững (SAF). Nhờ vậy, EU có thể trở thành trung tâm sản xuất loại nhiên liệu xanh này, vốn được làm từ chất thải như dầu nấu ăn.
CEO của Ryanair cho biết Shell và BP cho rằng đây có thể là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” đối với hoạt động sản xuất SAF tại châu Âu trong 5 năm tới. Shell và BP chưa có bình luận gì về thông tin này.
Tesla xuất khẩu xe điện sản xuất tại Trung Quốc sang Canada
Ngày 23/5, hãng Tesla thông báo các mẫu xe điện Model 3 và Model Y sản xuất tại Trung Quốc sẽ được dùng để bán tại thị trường Canada và các chuyến hàng đầu tiên đến Bắc Mỹ, từ nhà máy ở Thượng Hải, đã được hoàn tất. Cả loại xe Model Y cầu sau RWD và phiên bản dẫn động 4 bánh tầm xa Model 3 đều có sẵn để giao ngay tại tỉnh British Columbia (Canada).
Động thái chuyển hướng xuất khẩu của Tesla, thay vì dùng sản phẩm sản xuất từ nhà máy chính ở bang Califonia và Texas (Mỹ), là bước đi chiến lược giúp hãng giữ lại các phương tiện được sản xuất ở Mỹ để bán cho chính thị trường Mỹ, nơi chúng đủ điều kiện nhận các ưu đãi thuế tiềm năng lên tới 7.500 USD.
Bước đi này cũng mở ra một thị trường mới cho Tesla Thượng Hải, nơi sản xuất ra hơn một nửa sản lượng xe điện của công ty. Trước đó, hãng thông báo nhà máy tại Thượng Hải sẽ sản xuất xe điện dùng để bán ở Trung Quốc và xuất khẩu sang một số thị trường, bao gồm châu Âu.