

Thị trường chứng khoán suy thoái? Lý do vì sao bạn không nên quá lo lắng

Thị trường chứng khoán suy thoái? Lý do vì sao bạn không nên quá lo lắng
Bất kể một cuộc sụt giảm mạnh có sắp xảy ra hay không, điều quan trọng là bạn phải luôn chuẩn bị sẵn sàng.
Những điểm chính
- Thị trường chứng khoán gần đây biến động mạnh và một số nhà đầu tư lo lắng một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
- Trong hầu hết các trường hợp, bạn không cần phải lo lắng về điều đó.
- Tuy nhiên, có một vài kịch bản mà một cuộc suy thoái có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bạn.
Thị trường chứng khoán gần đây khá thất thường và những biến động này khiến các nhà đầu tư ái ngại. Kết hợp với tình hình kinh tế bất ổn chúng ta đang phải đối mặt (bao gồm cả lạm phát tăng vọt và khả năng tăng lãi suất trong năm nay), một số nhà đầu tư lo lắng một cuộc sụt giảm diện rộng đang đến gần. Mặc dù không ai có thể nói chắc liệu điều đó có xảy ra không, vì ngay cả các chuyên gia cũng không thể dự đoán chính xác thị trường chứng khoán sẽ hoạt động ra sao trong ngắn hạn, nhưng có 2 lý do để bạn không nên lo lắng về nguy cơ sụp đổ tiềm năng, đồng thời cũng có 2 trường hợp vụ sụp đổ đó có thể ảnh hưởng đến bạn.
Xem thêm: Cách tham gia vào thị trường chứng khoán quốc tế?
Tại sao bạn không nên lo lắng về một cuộc suy thoái
- Thị trường cuối cùng sẽ hồi phục
Thị trường sụp đổ có thể rất đáng sợ. Bất kể bạn đã đầu tư bao lâu, chứng kiến danh mục của mình chìm trong khủng hoảng vẫn là một trải nghiệm không dễ chịu.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần nhớ trong những thời điểm này là trong quá khứ thị trường chứng khoán luôn phục hồi sau khi suy thoái. Trên thực tế, kể từ năm 1928, S&P 500 đã giảm hơn 20% trong 21 lần khác nhau, đồng thời mỗi lần chỉ số này đều tăng trở lại như cũ.
Tất nhiên, đôi khi có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để thị trường tái hiện hoàn toàn từ một cuộc sụp đổ, nhưng trong lịch sử nó luôn có thể phục hồi mạnh hơn bao giờ hết.
- Việc căn thời gian thị trường gần như không thể
Về lý thuyết, chiến lược đầu tư tốt nhất sẽ là rút tiền của bạn ra khỏi thị trường ngay trước khi giá giảm, sau đó tái đầu tư khi chúng sụt xuống đáy. Điều này được gọi là căn thời gian thị trường, và đó là chiến lược mà một số nhà đầu tư ngắn hạn sử dụng để kiếm lợi nhuận nhanh chóng.
Tuy nhiên, chiến thuật này rất khó thành công vì thị trường rất khó dự đoán, không ai có thể nói chính xác khi nào nó sẽ sụt giảm hoặc khi nào giá sẽ chạm đáy rồi bắt đầu tăng trở lại. Trong nhiều trường hợp, thị trường sẽ chạm đáy rồi tăng chỉ một hoặc hai ngày sau đó.
Nếu bạn bán cổ phiếu và giá nhanh chóng phục hồi, bạn sẽ bỏ lỡ những lợi nhuận tiềm năng đó. Tương tự, nếu bạn chờ đợi quá lâu để bán và giá đã giảm đáng kể, cuối cùng bạn có thể bán với giá thua lỗ.
Một lựa chọn an toàn hơn chỉ đơn giản là giữ khoản đầu tư của bạn bất kể thị trường chứng khoán ra sao. Nếu giá giảm, hãy cố gắng hết sức để chờ đợi cho đến khi nó phục hồi.
Xem thêm: Lời khuyên của Warren Buffet: Nên đi hay ở lại thị trường chứng khoán lúc này
Khi nào một cuộc sụp đổ thị trường là đáng lo
- Bạn đang đầu tư quá nhiều tiền
Mặc dù suy thoái thị trường là bình thường (và một phần không thể tránh khỏi trong hành trình của thị trường), có một số trường hợp sụt giảm có khả năng làm tổn thương đến tài chính của bạn.
Đó là khi bạn đầu tư quá nhiều tiền vào thị trường chứng khoán và số tiền ấy bạn không đủ khả năng để mất.
Khi thị trường đi xuống, giá cổ phiếu có thể giảm đáng kể khiến thời gian này rất không lý tưởng để bạn bán tài sản của mình. Nhưng khi toàn bộ tiền của bạn đã dồn vào cổ phiếu, bất kì một hóa đơn bất ngờ nào cũng có thể đẩy bạn vào cảnh khốn đốn.
Vì lý do đó, việc nên làm lúc này là kiểm tra xem bạn có một quỹ dự phòng đủ cho các chi phí trong ít nhất 6 tháng không. Điều này không chỉ bảo vệ tài chính của bạn trong ngắn hạn mà còn giúp việc giữ tiền của bạn trên thị trường dễ dàng hơn, tạo cơ hội cho các khoản đầu tư của bạn tăng trưởng nhiều hơn trong thời gian dài.
- Bạn không đầu tư vào đúng nơi
Thị trường chứng khoán có một lịch sử lâu dài về khả năng hồi phục sau khi suy thoái, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các cổ phiếu riêng lẻ đều có thể hồi phục. Các cổ phiếu chất lượng thấp có thể không đủ mạnh để tăng trở lại sau khi sụt giảm nghiêm trọng, và nếu bạn có nhiều khoản đầu tư loại này trong danh mục, tài khoản tiết kiệm của bạn dễ gặp phải rủi ro.
Trước nguy cơ sụp đổ thị trường, hãy kiểm tra từng khoản đầu tư của mình và tự hỏi xem các thông số cơ bản của nó có đủ mạnh để tồn tại qua biến động không.
Tất nhiên không ai có thể dự đoán chính xác một cổ phiếu sẽ hoạt động ra sao, nhưng các khoản đầu tư lành mạnh nhất cần có tài chính vững chắc, đội ngũ lãnh đạo có năng lực và lợi thế cạnh tranh trong ngành. Với những điểm mạnh này, một công ty có cơ hội phục hồi tốt hơn từ một cuộc suy thoái thị trường. Những giai đoạn thị trường ảm đạm như vậy dễ gây nản chí, bất kể bạn là một nhà đầu tư mới hay có kinh nghiệm. Bằng cách thực hiện đủ các bước chuẩn bị và duy trì triển vọng dài hạn, danh mục đầu tư của bạn có nhiều khả năng phát triển mạnh bất kể chuyện gì xảy ra.
Xem thêm: Lý giải hiện tượng biến động trên thị trường chứng khoán