

Topdanhgiasan – Cập nhật các tin tức thị trường mới nhất trong ngày hôm nay 14/03/2023:

Tổng hợp thị trường ngày 14/3/2023
Xem thêm: Tổng hợp thị trường ngày 13/3/2023
Chứng khoán Mỹ: Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán tháo mạnh
Trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 13/3, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ tăng giảm trái chiều, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng tiếp tục bị bán tháo mạnh mẽ trước lo ngại về khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền từ vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB). Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,3% xuống 31.819,14 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 0,2% xuống 3.855,76 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 0,5% lên 11.188,84 điểm.
Phiên này diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ hành động để đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng Mỹ. Những biện pháp mà chính quyền Mỹ đưa ra mang thông điệp “người Mỹ có thể tin rằng hệ thống ngân hàng đang an toàn”, đồng thời cam kết sẽ có các quy định chặt chẽ hơn sau khi vụ phá sản của SVB. Tuy nhiên, cổ phiếu của nhiều ngân hàng tầm trung vẫn chứng kiến sự bán tháo mạnh mẽ. Cổ phiếu của ngân hàng First Republic sụt giảm 62%, KeyCorp giảm 27,3% và Zions Bancorp để mất 25,7%.
Các ngân hàng lớn của Mỹ đã mất khoảng 90 tỷ USD giá trị thị trường cổ phiếu trong phiên 13/3, nâng con số mất mát trong ba phiên giao dịch vừa qua lên gần 190 tỷ USD.
“Vàng đen” giảm hơn 2% sau khi vụ phá sản của SVB
Trong phiên giao dịch 13/3, giá dầu thế giới giảm hơn 2% sau khi vụ phá sản của SVB làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Chốt phiên, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,01 USD (2,4%) xuống 80,77 USD/thùng, sau khi giảm có lúc giảm xuống 78,34 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 1,88 USD (2,5%) xuống 74,80 USD/thùng, sau khi giảm xuống 72,3 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022.
Những lo ngại về việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa đã được đào sâu khi dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức cao. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tháng 4 sản lượng dầu thô tại các khu vực sản xuất dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ dự kiến tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 2019.
Giá vàng và bạc thế giới đi lên
Trong phiên giao dịch 13/3, giá vàng và bạc thế giới đi lên, nhờ các tài sản an toàn hấp dẫn nhà đầu tư sau vụ phá sản của SVB. Giá vàng giao ngay tăng 2,4% lên 1.921,06 USD/ounce, mức cao nhất kể từ đầu tháng Hai. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 2,6% lên đóng phiên ở mức 1.916,50 USD/ounce.

Giá vàng và bạc thế giới đi lên
Nối gót đà tăng của vàng, giá bạc tăng 6,3% lên 21,81 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 4% lên 997,60 USD/ounce và giá palladium tăng 7,8% lên 1.485,74 USD/ounce.
Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty tài chính TD Securities, nhận định vàng đang thể hiện là một nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang tìm đến kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn trước môi trường biến động và rủi ro hiện nay.
WB kêu gọi áp dụng công nghệ số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Phi
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 13/3 cho biết, khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên của các nước châu Phi sẽ phụ thuộc vào việc áp dụng nhiều hơn các công nghệ kỹ thuật số.
Châu Phi dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2100, do đó cần thúc đẩy việc tiếp thu các công nghệ kỹ thuật số để tạo cơ hội cho hơn 22 triệu người ở lục địa này tham gia lực lượng lao động hàng năm.
Theo WB, các công nghệ và đổi mới kỹ thuật số sẽ là chìa khóa để hiện đại hóa các lĩnh vực quan trọng như sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ tài chính ở châu Phi, đồng thời kêu gọi nỗ lực phối hợp để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số đang đè nặng lên người nghèo ở nông thôn cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ và giới trẻ lãnh đạo.
Volkswagen chọn Canada để xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện
Hãng chế tạo ô tô Volkswagen (Đức) đã chọn Canada để xây dựng nhà máy pin đầu tiên bên ngoài châu Âu nhằm nội địa hóa chuỗi sản xuất xe điện trong khu vực. Việc xây dựng nhà máy ở quốc gia Bắc Mỹ này sẽ giúp Volkswagen tiếp cận với các nguồn trợ cấp của cả Canada và Mỹ. Dự kiến, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2027.

Volkswagen chọn Canada để xây dựng nhà máy sản xuất pin xe điện
Năm 2022, Volkswagen đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Canada để hợp tác tìm kiếm địa điểm phù hợp cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Canada.
Về phần mình, Wolkswagen cũng cam kết tìm cách để Canada đóng góp vào chuỗi cung ứng pin, bao gồm cả nguyên liệu thô và lắp ráp. Với việc Chính phủ đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Canada đã ký ít nhất 10 cam kết lớn liên quan đến xe điện với tổng trị giá hơn 16 tỷ đô la Canada (tương đương 12 tỷ USD).
Apple đối mặt “làn sóng” các giám đốc điều hành rời bỏ tập đoàn
Hãng công nghệ khổng lồ Apple được biết đến là một trong những doanh nghiệp ổn định nhất, nhưng hiện đang chứng kiến cuộc “thay máu” chưa từng thấy ở cấp điều hành tập đoàn.

Apple đối mặt “làn sóng” các giám đốc điều hành rời bỏ tập đoàn
Từ nửa cuối năm 2022, Apple đã “chia tay” 11 giám đốc điều hành cấp cao. Những người này nằm trong số các nhân vật quan trọng nhất làm việc lâu năm tại Apple, điều hành nhiều hoạt động cốt lõi trong các lĩnh vực như thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, kỹ thuật phần cứng và phần mềm, vấn đề quyền riêng tư, chính sách bán hàng tại các thị trường mới nổi, dịch vụ đăng ký và mua sắm…
Nguyên nhân có thể xuất phát một phần từ gánh nặng trách nhiệm ngày càng tăng đối với các nhà quản lý, cạnh tranh nội bộ và mâu thuẫn giữa các bộ phận trong tập đoàn, các nguồn lực đã được chuyển sang các sáng kiến dài hạn hơn… Một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều người rời bỏ là vấn đề tài chính. Cổ phiếu của Apple đã giảm gần 30% trong năm ngoái, sau 3 năm tăng mạnh.