Cập nhật thông tin thị trường hôm nay 27/03 cùng Top Đánh Giá Sàn

Tổng hợp thị trường ngày 27/3/2023
1. Chứng khoán châu Á chịu sức ép trong phiên sáng 27/3
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm phiên sáng 27/3 trong khi giá cổ phiếu của ngân hàng Mỹ và châu Âu tăng nhờ hy vọng các nhà chức trách đang nỗ lực giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng, dù chi phí bảo hiểm rủi ro đã lên đến gần mức nguy hiểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,68%, hay 134,61 điểm, xuống 19.781,07 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,49%, hay 16,05 điểm, xuống 3.249,61 điểm.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,31%, hay 85,92 điểm, lên 27.471,17 điểm, dù lo ngại về biến động tài chính tại Mỹ và châu Âu vẫn gây sức ép lên cổ phiếu ngân hàng.
2. Giá vàng thế giới có xu hướng giảm
Thị trường vàng thế giới rạng sáng 27/3 có xu hướng giảm với vàng giao ngay giảm 5,3 USD xuống còn 1.972,9 USD/ounce so với mức chốt phiên giao dịch tuần trước.
Khảo sát vàng của Kitco News cho thấy, giới đầu cơ giá lên về vàng đang kiểm soát hoàn toàn thị trường khi lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu gia tăng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thể tăng lãi suất hơn nữa.
Các nhà phân tích Phố Wall và nhà đầu tư bán lẻ đều đang lạc quan về vàng khi giá kết thúc tuần gần mức 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, một số người cũng cảnh báo các nhà đầu tư nên thận trọng ở các mức giá này.
3. Giá dầu bắt đầu tuần trong sắc xanh
Thị trường dầu Brent tăng sát mức 76 USD/thùng, dầu WTI gần mức 70 USD/thùng. Giá xăng dầu tuần trước đã trải nghiệm một tuần tăng dầu Brent tăng 2,8%, dầu WTI tăng 3,8%.
Trong 5 phiên giao dịch, giá dầu tăng liên tiếp 3 phiên đầu tiên của tuần và lao dốc 2 phiên còn lại. Giá dầu tăng chịu tác động bởi Fed tăng lãi suất chỉ 25 điểm cơ bản trước khi tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ; sự giảm trong lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng dẫn đến sự giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu; sự trượt dốc mạnh của đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần.
4. IMF cảnh báo các rủi ro liên quan ổn định tài chính
Ngày 26/3, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva cảnh báo về tình trạng gia tăng những yếu tố rủi ro liên quan ổn định tài chính và nhấn mạnh cần nâng cao cảnh giác sau những bất ổn xảy ra gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.

IMF cảnh báo các rủi ro liên quan ổn định tài chính
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh, Tổng Giám đốc IMF dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm nhiều thách thức, tăng trưởng toàn cầu giảm xuống dưới 3% do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, các chính sách thắt chặt tiền tệ và những hậu quả của đại dịch COVID-19.
Bà đánh giá bất ổn vẫn đang ở mức đặc biệt cao, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức yếu trong trung hạn.
5. Credit Suisse đã vay của SNB hàng tỷ USD để tăng thanh khoản
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sỹ, Karin Keller-Sutter cho biết, ngân hàng Credit Suisse đã vay của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) “khoản tiền hàng tỷ USD” vào cuối tuần trước để đảm bảo thanh khoản. Credit Suisse dự định vay tới 50 tỷ franc Thụy Sỹ (54,35 tỷ USD) từ ngân hàng trung ương nước này để tăng cường thanh khoản.
Việc Credit Suisse vay một khoản tiền lớn trị giá hàng tỷ USD là do khách hàng đã rút tiền một lần nữa. Các đối tác đang yêu cầu bảo lãnh khi họ làm ăn với ngân hàng, nhưng điều quan trọng là tình hình đã ổn định.

Credit Suisse đã vay của SNB hàng tỷ USD để tăng thanh khoản
Trước đó, ngày 19/3, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đã đồng ý mua đối thủ Credit Suisse với giá 3 tỷ franc Thụy Sỹ bằng cổ phiếu và đồng ý chịu khoản thua lỗ lên tới 5 tỷ franc Thụy Sỹ trong một vụ sáp nhập nhằm ngăn chặn sự xáo động hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng trên toàn cầu.
6. Kịch bản nền kinh tế Canada “hạ cánh cứng” gia tăng
Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Stephen Poloz cho biết, nền kinh tế Canada có nguy cơ “hạ cánh cứng” cao hơn – tốc độ suy thoái kinh tế thị trường nhanh chóng sau một thời kỳ tăng trưởng và tiến gần đến suy thoái.
Trong bối cảnh BoC tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, lạm phát đã giảm xuống 5,2% trong tháng 2/2023. Con số này giảm từ 5,9% trong tháng 1/2023, sau mức cao kỷ lục trong 40 năm vào mùa Hè, đạt mức cao nhất là 8,1% trong tháng 6/2022.Bộ trưởng Tài chính Canada, Chrystia Freeland sẽ công bố ngân sách vào ngày 28/3 tới. Bà Freeland từ lâu đã báo hiệu rằng người Canada có thể kỳ vọng sự kiềm chế tài khóa để tránh gây ra lạm phát, nhưng cũng có một số khoản đầu tư quan trọng.
7. Hàn Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ô tô tháng 2 cao kỷ lục
Kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc trong tháng 2 đạt 5,59 tỷ USD, tăng 47,1% so với một năm trước đó. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất từ trước đến nay. Mức kỷ lục ghi nhận trước đó là vào tháng 12/2022 với 5,42 tỷ USD.
Trong tháng 2 vừa qua, Hàn Quốc đã xuất khẩu 222.934 ô tô, tăng 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu đối với ô tô thân thiện với môi trường gia tăng đã giúp doanh số bán ô tô nói chung tăng mạnh.

Hàn Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ô tô tháng 2 cao kỷ lục
Giá trị xuất khẩu ô tô thân thiện với môi trường trong tháng trước tăng 83,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 2,02 tỷ USD, mức tăng theo tháng cao nhất từ trước đến nay. Tính theo doanh số, số ô tô thân thiện với môi trường được xuất khẩu trong tháng 2 cũng đạt mức cao nhất với 62.861 xe, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô của Hàn Quốc trong tháng 2 cũng tăng 13,3% so với cách đây một năm, lên 2,02 tỷ USD nhờ nhu cầu ngày càng tăng ở Bắc Mỹ và EU.
8. Elon Musk đề nghị trợ cấp cổ phiếu cho nhân viên Twitter
Giám đốc điều hành Twitter Inc Elon Musk đã đề nghị trợ cấp cổ phiếu cho nhân viên của mạng truyền thông xã hội thị trường này với mức định giá gần 20 tỷ USD. Con số trên chưa bằng một nửa trong số 44 tỷ USD mà ông Musk đã chi để mua lại Twitter, qua đó cho thấy giá trị của nền tảng truyền thông xã hội đã giảm. Twitter vẫn chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Hồi tháng 12/2022, ông Musk cho hay Twitter đang trên đà đạt mức “gần như hòa vốn” trong năm 2023 khi các nhà quảng cáo hàng đầu cắt giảm chi tiêu của họ trên nền tảng mạng xã hội này sau khi ông Musk tiếp quản. Sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm Twitter, công ty lỗ 4 triệu USD mỗi ngày và để cắt giảm chi phí, tỷ phú chuyển sang cắt giảm nhân sự và sa thải gần 70% nhân viên.